KIẾN TRÚC CHỊU ẢNH HƯỞNG RÕ RỆT CỦA ĐIỀU KIỆN THIÊN NHIÊN VÀ KHÍ HẬU

Một trong những mục đích quan trọng của kiến trúc là thỏa mãn yêu cầu sử dụng của con người. Nhu cầu sử dụng có nội dung thật phong phú, đa dạng tùy thể loại hoạt động, tùy theo địa phương, thói quen, phong tục, tập quán dân tộc. Song trước tiên kiến trúc tạo điều kiện để con người khắc phục được các điều kiện bất lợi của địa hình và khí hậu. Nghĩa là một mặt kiến trúc phải có bố cục mặt bằng, tổ chức không gian phù hợp với đặc điểm công năng, mặt khác phải phù hợp với môi trường, địa lý tự nhiên, địa hình, khí hậu, địa chất – những cái có ảnh hưởng rất lớn đến tiện nghi cuộc sống con người. Điều kiện thiên nhiên, khí hậu có những yếu tố bất lợi mà kiến trúc cần tránh hay loại trừ bằng giải pháp tự nhiên hoặc bằng nhân tạo nhờ các trang thiết bị kỹ thuật. Cho nên tùy thuộc vào điều kiện thiên nhiên, địa hình, khí hậu của từng nơi, từng vùng mà kiến trúc phải có các giải pháp phù hợp về định hướng mặt bằng, bố cục không gian, xử lý vật liệu bao che trang bị kỹ thuật và trang trí màu sắc phù hợp để tranh thủ cái thuận lợi, khắc phục cái bất lợi.

kien truc chiu anh huong ro ret cua dieu kien thien nhien va khi hau 4661 KIẾN TRÚC CHỊU ẢNH HƯỞNG RÕ RỆT CỦA ĐIỀU KIỆN THIÊN NHIÊN VÀ KHÍ HẬU

Ớ một số nước trong vùng khí hậu lạnh, do không khí lạnh nhiều, bầu trời u ám, với những ngày dài tuyết trắng bao phủ, kiến trúc thường có tường dày, mái dốc, cửa mở cao, rộng, kính hai lớp cách nhau để chống lạnh và lấy ánh sáng nhiều. Màu sắc trang trí thường sặc sỡ, tươi vui để giảm bớt sự đơn điệu, buồn tẻ của bầu trời và môi trường thiên nhiên xung quanh với một màu trắng xóa về mùa Đông (hình 1.8).
Các nước có khí hậu nóng khô như vùng sa mạc Trung Á – Bắc Phi, do ánh nắng mặt trời gay gắt, nóng bức, ban ngày nhiệt độ tới 38 – 40°c, về ban đêm do ảnh hưởng của khí hậu sa mạc nên nhiệt độ xuống có thể tới 0°c. Do sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn nên kiến trúc thường có tường dày, mái dày, cửa sổ ít và mở nhỏ, để hạn chế ánh nắng mặt trời. Trang trí màu sắc thường là màu sáng, dịu để giảm bớt sự chói chang của bầu trời. Ngoài ra, nhà thường có sân trong, xung quanh trồng cây cối nhiều để vừa tạo vi khí hậu tốt vừa tạo phong cảnh đẹp cho công trình (hình 1.9).
Các nước vùng nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam, Cu Ba, Brasilia, Venezuela, Malaysia, Indonesia, v.v… có đặc điểm: nhiệt độ cao, ánh nắng chan hòa, mưa nhiều, độ ẩm lớn, chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm không lớn, cây cỏ quanh năm xanh tươi, bầu trời trong sáng. Để phù hợp với đặc điểm khí hậu ấy, kiến trúc thường trải dài, bám sát mặt đất hoặc bỏ trống tầng một, tạo sự thông thoáng nhẹ nhàng, có cửa sổ thấp và dài để hứng gió, hạn chế ánh nắng, có mái vươn dài để chống mưa hắt. Xen vào công trình là những mảnh sân, vườn cây, thảm cỏ để tận dụng bóng mát, vừa cải tạo vi khí hậu vừa tạo phong cảnh đẹp. Các kiến trúc thường hòa nhập và ẩn náu vào cây xanh, được xử lý không gian kiểu mở và lưu thông với vách cửa di động linh hoạt (hình 1.10, 1.11).

 

 

Ngay trong một nước, trên một vùng điều kiện khí hậu tự nhiên cũng có sự khác nhau do đặc điểm địa hình, nên kiến trúc cũng có những giải pháp khác nhau. Ở miển núi Việt Nam, do núi cao, địa hình phức tạp, thời tiết địa phương biến đổi nhiều, gió không lớn nhưng mưa nhiều, độ chói, độ ẩm cao hoặc ở vùng thường ngập lụt có kiến trúc nhà sàn (bỏ trống tầng một) mái thấp nhưng dốc lớn (hình 1.12). Ảnh hưởng của địa hình, khí hậu, của điều kiện vật liệu xây dựng địa phương sẽ tạo ra bản sắc riêng của truyền thống kiến trúc một địa phương, một dân tộc (hình 1.9 -ỉ-1.15 và 4.20).
Ở miền Trung du và đồng bằng tuy có địa hình dốc ít, hoặc bằng phẳng nhưng điều kiện nắng gió ít nhiều có phức tạp so với miền núi nên kiến trúc có đặc thù riêng ở từng vùng nhỏ.
Chẳng hạn nhà ở tại vùng đồng bằng sông Hồng thường có hiên khá rộng, tường và mái thuộc loại kết cấu ngăn che nhẹ và thoáng hở, cửa đi quay về hướng gió chủ đạo về mùa hè (hướng Nam, Đông – Nam) và mở rộng tối đa để đón gió suốt các gian giữa. Có các hình thức che nắng cơ động và phong phú: mành, giại, liếp… Tất cả đều phản ánh điều kiện khí hậu của một vùng nóng ẩm, gió nồm mát mùa hè, nắng lắm, mưa nhiều và có chế độ gió mùa với gió bấc mùa Đông lạnh (nhà không mở cửa lớn về hướng Bắc).
Miền ven biển thường có địa hình ít phức tạp, nhưng có gió biển mạnh, hay gặp bão, nồng độ muối cao trong không khí nên kiến trúc lại chú ý đến độ dốc mái, dầu hồi bít đốc và cửa sổ mở thoáng hai mặt cho gió vào và thoát ra dễ, nhà thấp lùn quay lưng ra biển hoặc lợi dụng địa hình, cây xanh để cản bớt sức gió và chống gió bất lợi (hình 1.13).
Kiến trúc vùng khí hậu khô nóng miền Trung chịu ảnh hưởng của gió Lào thì lại khác hẳn. Nhà có tường bằng vật liệu khó cháy, sẩn có ở địa phương như đá ong, đá sò, bộ khung sườn bằng gỗ tốt, nhà chính quay ra hướng Nam, trên treo rèm nứa có thể dựng lên hạ xuống dễ dàng để lọc ánh sáng và che nắng, tranh thu gió mát và hơi ẩm của sân vườn.
Vì vậy người sáng tác kiến trúc phải nghiên cứu các điều kiện tự nhiên, địa hình, điều kiện cảnh quan sinh thái của từng vùng từng nơi xây dựng để tạo được Công trình kiến trúc tốt, không những đáp ứng nhu cầu sử dụng, mà còn hài hòa với khung cảnh thiên nhiên, tô điểm hoàn thiện cho phong cảnh làm cho môi trường sống thêm tươi đẹp, phong phú, có bản sắc (hình 1.16, 117 và 1.18).
Chúng ta sống trong thời kỳ hiện đại hóa, công nghiệp hóa ở mức độ cao thì việc khai thác tận dụng lợi thế của điều kiện thiên nhiên là cần thiết, nhưng mặt khác cần bảo đám để các quần cư đô thị và nông thôn được phát triển hài hòa trong sự cân bằng sinh thái bền vững. Đô thị và kiến trúc phải tuân thủ các nguyên tắc:

1. Tiết kiệm không gian và đặc biệt là bảo tồn quỹ đất đai phì nhiêu.
2. Tiết kiệm thời gian của xã hội.
3. Tiết kiệm năng lượng.
4. Tiết kiệm nước.
5. Tiết kiệm vật liệu, nhất là những vật liệu hiếm phục vụ xây dựng.
6. Phát triển bảo tồn các hệ thống cây xanh và mặt nước.
7. Phát triển các công nghệ chu trình kín để hấp thụ hoàn toàn hoặc tái sinh các chất thải công nghiệp.
8. Những mô hình đô thị hóa khu vực lớn cần báo đảm sự hài hòa môi trường và ngăn ngừa sự tập trung quá mức.
9. Những mô hình đô thị sẽ bảo đảm sự hoạt động tối ưu của hạ tầng kỹ thuật và xã hội cho các quan hệ bình thường của con người.
10. Những mô hình đô thị hóa có thể thích nghi được kịp thời các chức năng thay đổi của thành phố.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *